Slider
 

Hồi đầu năm, các phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải vụ cướp "rất tình người" ở "xứ sở lá phong". Nạn nhân là Jennifer, đang trên đường đi làm. Cô bị cướp chiếc xe ôtô bởi một gã đàn ông có súng. Trước khi lên xe, gã này còn hỏi Jennifer có đi cùng trẻ con hay cần đồ đạc gì trong thời tiết lạnh -20oC không. Tên cướp sau đó trả Jennifer điện thoại, túi xách, đồ ăn trưa và xin lỗi cô. Theo phản xạ, cô trả lời "không sao" và nhìn tên cướp lái xe đi. 

cau xin loi va tranh cai ve su tu te rap khuon cua nguoi canada 3

Vụ cướp trên được nhiều tờ báo nhận xét là "đậm chất" Canada. Người dân "xứ sở lá phong" nổi tiếng về sự tử tế và lịch thiệp. Tờ BBC từng ví sự tử tế của người Canada giống như "dầu mỏ của Saudi Arabia". 

Nhiều câu chuyện về sự tử tế của người dân Canada đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tờ National Post từng ghi nhận sự việc một sinh viên luật tên Derek Murray đã bật đèn pha xe ô tô cả ngày. Khi quay lại xe, anh ta thấy pin đã cạn cùng một lời nhắn kẹp trên kính chắn gió, ghi "Tôi thấy anh bật đèn suốt nên pin chắc không đủ để khởi động máy. Tôi để lại sạc pin bên trong chiếc hộp phía hàng rào". Một số trường hợp trộm còn trả đồ kèm tiền cho khổ chủ. 

cau xin loi va tranh cai ve su tu te rap khuon cua nguoi canada 1

Giao thông ở Toronto và Montreal vẫn hay rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, hầu như không có tiếng còi nào vang lên. Trả lời BBC, giáo sư Jeffrey Dvorkin của trường Đại học Toronto cho biết bóp còi ở Canada bị xem là "hành vi hung hăng không cần thiết". Một người khác lại lập luận do dân số Canada khá ít nhưng lại sống trên quốc gia có lãnh thổ quá rộng khiến họ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau thay vì hung hăng, cáu gắt. 

Tuy nhiên, câu xin lỗi vẫn được xem là biểu hiện nổi tiếng nhất cho sự tử tế của người dân "xứ sở lá phong". Họ nói câu xin lỗi gần như trong mọi trường hợp. Nếu một người Canada đâm vào cái cây, anh ta sẽ đứng lại xin lỗi nó. Trong trường hợp thời tiết xấu, câu xin lỗi cũng được sử dụng. 

Nhiều người cho rằng câu xin lỗi ở Canada là kiểu rập khuôn quốc gia. Họ nói xin lỗi mà chẳng cần biết đúng sai. Một số học giả gọi đó là "phản xạ lịch sự vô nghĩa". Emily Keeler, nhà văn người Canada, nhận xét câu xin lỗi là một nghĩa cử đẹp bị dùng quá nhiều khiến nó giống như trò đùa. "Đó không phải một cách nhận trách nhiệm cá nhân", Emily trả lời CBC. 

cau xin loi va tranh cai ve su tu te rap khuon cua nguoi canada 2

Nhà văn Emily cho rằng mọi người nên nhìn nhận câu xin lỗi của dân Canada giống như cách tránh xung đột thay vì lời nói tử tế. "Họ xin lỗi vì con người ngu ngốc bên trong đối phương, thứ mà những kẻ xin lỗi không muốn làm to chuyện", Emily chia sẻ.

BBC nhận xét việc quá tử tế và xin lỗi quá nhiều đôi khi lại không tốt. Người Canada khiêm nhường đến nỗi ngại đụng chạm, lên tiếng nếu có vấn đề xảy ra. Chia sẻ với BBC, Manjusheree Thapa, nhà văn chuyển từ Nepal đến Canada, nhớ lại buổi đi xem phim. Đèn màn hình hỏng nhưng không ai chịu lên tiếng phàn nàn. "Tôi phải kêu bạn trai mình và ông ấy miễn cưỡng làm theo. Sự tử tế khiến họ không muốn lên tiếng", bà nói. 

Tạm gác lại vấn đề này, Canada vẫn là một miền đất lý tưởng với những con người thân thiện, lịch sự, nơi sở hữu những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nền văn hóa - ẩm thực đặc sắc. Bởi vậy, nếu có cơ hội, du khách hãy một lần du lịch Canada nhé!